NGÀY MÀ ÂM NHẠC CHẾT

 


Ngày 8 tháng 12 năm 1980, tên sát nhân Mark Chapman đã ám sát thần tượng của mình bằng 4 viên đạn, kết thúc cuộc đời của vị cố nghệ sỹ huyền thoại John Lennon..

Đây là ngày mà người ta gọi là "Ngày mà âm nhạc chết".

Tuy đã vĩnh viễn rời xa cõi trần thế, song những giai điệu và ca từ bất hủ của ông sẽ mãi sống trong lòng nhân loại.

***

(Trích đoạn bài biên vào ngày 28 tháng 8 năm 2014)

Âm nhạc của The Beatles luôn mang tính vượt thời đại trong bất kể thế hệ nào, họ là cầu nối giữa nghệ thuật cấp cao và văn hóa đại chúng, được rộng rãi giới hàn lâm công nhận là band nhạc vỹ đại nhất mọi thời đại.

Xuất thân từ vùng quê nước Anh Liverpool, bốn chàng trai trẻ đã thay đổi toàn thế giới với những sáng tác ở mọi thể loại và trên mọi lĩnh vực chủ đề, tiên phong cho đa số những dòng nhạc hiện đại sau này, và phổ cập cho công chúng những loại hình nghệ thuật nghiêm túc. Khởi phát sự nghiệp là một boy band dễ thương cướp mất trái tim của những cô gái trẻ, họ là hiện tượng "idol" đầu tiên trong lịch sử, nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động trên đỉnh cao danh vọng, vào năm 1965, The Beatles thay đổi chóng mặt, và trở thành những nghệ sỹ trưởng thành với những ca khúc sâu lắng, sản phẩm thể nghiệm và táo bạo hơn hẳn.

Vũ khí bí mật dẫn tới thành công của Beatles, là tài hoa trong khả năng sáng tác thượng thừa của bộ đôi John Lennon / Paul McCartney. Nếu như những ca khúc của Paul thường phản ánh tuổi trẻ và niềm vui cũng như sự hồn nhiên, thì sáng tác của John Lennon lại u sầu và trưởng thành hơn cả. Sự đối lập này tạo nên vòng âm dương hoàn hảo cho những sản phẩm âm nhạc của nhóm, và họ trở nên bất khả chiến bại trong ngành công nghiệp âm nhạc khi mà mọi thứ được phát hành dưới tên The Beatles liên tục leo lên đầu bảng xếp hạng.. Các nghệ sỹ đương thời không chỉ nể phục mà đôi khi còn hờn ghen với tài năng của họ.

Cả hai bọn họ đều là những thiên tài, với tài năng ngang nhau, và lịch sử đã chứng minh điều ấy. Tuy nhiên, nếu như bắt buộc phải chọn, tôi nghĩ những sáng tác của John Lennon luôn chạm vào trái tim và tâm hồn tôi sâu sắc hơn là của Paul McCartney.

John Lennon, một cái tên quá đỗi huyền thoại mà có lẽ tôi không cần phải nói nhiều. Ngoài cặp kính tròn thương hiệu và những sáng tác bất hủ, thì ông cũng là một nhân vật bị giam hãm trong chính nội tâm phức tạp của mình. Tôi thường xuyên nghe ông, rất thường xuyên, bởi những giai điệu của ông là độc nhất,.. và khi nghe nó, những ca từ sâu lắng của ông, hình như tôi nhìn thấy quá nhiều bản thân mình trong đó.. nó dường như khuấy đảo tiềm thức và tâm tưởng của tôi sâu sắc, và với tôi, đó là vẻ đẹp đích thực và thuần túy nhất của nghệ thuật.

John Lennon có một tuổi thơ bất hạnh, bị chính Cha và Mẹ của mình chối bỏ, ông đã lớn lên và trở thành một thanh niên ngông cuồng.. "Tôi ngày trẻ rất phá phách.. Tôi rất hư, một phần bởi tôi ghen tị với người khác, bởi họ có cái thứ mà tôi chưa từng có: một gia đình.", Lennon từng chia sẻ. Tuy nhiên, người Mẹ của ông khi ông đang trưởng thành, lại áy náy về quá khứ của mình và thương cậu con trai đang trưởng thành, bà đã tìm lại John với mong muốn được bù đắp cho con.. Bà tặng cho John một cây đàn banjo, thắp lên tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc trong ông. John rất yêu Mẹ mình, nhưng tình mẫu tử chưa hàn gắn được bao lâu thì bà lại qua đời sau khi một viên cảnh sát say rượu đâm bà trên đường, điều này đã tạo nên một vết thương lòng còn lớn hơn trong John. Sau nhiều năm, hình ảnh người Mẹ trở thành một cảm hứng thường xuyên xuất hiện trong sáng tác và cuộc đời của vị cố nhạc sỹ bất hạnh ấy. Thậm chí, sau này, khi tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình, bà Yoko Ono, John còn gọi Yoko là "Mẹ".

Cũng như những thanh niên khác lớn lên vào thập niên 1950s, John Lennon đặc biệt thích rock 'n' roll. Ngay từ khi chưa có danh tiếng khắp thế giới, những người trong quán bar nhỏ nơi ông biểu diễn luôn phải ngưỡng mộ chất giọng gào thét cực kỳ ấn tượng của ông, mà chẳng ai biết rằng nỗi đau là điều đã tạo nên chất giọng "bằng thép" ấy.. Và điều này phản ánh lại rất rõ trong những sáng tác sau này xuyên suốt sự nghiệp của John. Những ca khúc mang tính rock nặng như Yer Blues hay I Want You (She's So Heavy) được coi là tiền thân cho dòng nhạc metal sau này thịnh hành vào năm 1990s. Ngoài ra ông cũng thường sử dụng những âm thanh rất nặng vào những ca khúc mang tính phản chiến, hay chỉ trích gay gắt xã hội cũng như con người.. Tuy có một John Lennon "rockstar" mạnh mẽ như thế, một John Lennon chống đối chính trị, một John Lennon mà đặc biệt cựu tổng thống Mỹ phải cho CIA giám sát vì sợ sự ảnh hưởng của ông tới công chúng Mỹ lúc bấy giờ sẽ kêu gọi hòa bình thay vì nhập ngũ, một John Lennon mà thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam, một John Lennon chẳng sợ ai, một John Lennon mỉa mai Nữ Hoàng Anh ngay trước mặt bà ấy.. nhưng cũng tồn tại một John Lennon rất yếu đuối. Thuở thơ ấu bất hạnh đã miên viễn khắc trong trái tim Lennon những vết sẹo không thể lành. Cách ông khóc trong ca khúc Julia khiến thính giả nín thở (Julia là một ca khúc John sáng tác cho Mẹ của mình, bà Julia Lennon, người đã qua đời từ khi ông 17 tuổi), tương tự như dòng ca từ mang tính nội tâm cá nhân trong My Mummy Is Dead, tiếng thét xé lòng trong Mother: "Mẹ ơi đừng đi / Cha ơi về nhà..", hay sự bất an trong tình yêu ông dành cho vợ mình trong Jealous Guy.. Tôi không biết một ai không nhỏ lệ khi nghe John Lennon khóc qua âm nhạc cả.

..

Âm nhạc của John rất cảm xúc, bởi ông nói thật. Ông luôn hát về những nỗi đau của chính ông từng trải qua, không ai hiểu rõ nó hơn chính Lennon. Ngay cả trong bản nhạc Imagine, ca khúc được giới phê bình đánh giá là bài hát vỹ đại nhất mọi thời đại, Lennon cũng sáng tác nó với những giấc mơ chân thành nhất của ông về một thế giới hòa bình, nơi mà mọi thứ đều bình đẳng, nơi mà trên cao chỉ có bầu trời xanh, và là nơi mà chúng ta chỉ có thể vĩnh viễn tưởng tượng ra. Hiển nhiên, John Lennon là tổ hợp của những sự đối nghịch, nó bắt nguồn từ quá khứ đau thương của chính ông. Đôi khi ông ghen tuông, nhưng lại hát về tình yêu thuần túy, đôi khi ông bạo lực, nhưng lại hát về hòa bình, đôi khi ông mạnh mẽ và chống phá, nhưng cũng lại rất yếu đuối khi ở đằng sau ánh đèn hào quang. Ông chính là tù nhân bị giam hãm sau chính song sắt của nội tâm phức tạp của chính mình. Có lẽ chính vì sự thăng hoa cảm xúc ấy, những giai điệu và ca từ của ông đã trở nên trường tồn với thời đại, và lấy đi nước mắt của mọi thế hệ yêu âm nhạc.

Tuy nhiên, âm nhạc của John Lennon lại chạm tới tôi sâu sắc hơn cả, có thể vì tôi thấy quá nhiều điểm tương đồng trong cuộc đời và nội tâm phức tạp của ông so với tôi.. cứ như là, những sáng tác của John Lennon dành riêng cho tôi vậy.

..

Nếu như tồn tại một cái "nhất", tôi sẽ không dám nói ca khúc nào John sáng tác là hay nhất cả.. Tuy nhiên thì In My Life, một bản nhạc bất hủ được Lennon viết vào năm ông 25 tuổi, có lẽ là sáng tác yêu thích nhất của tôi từ ông.

In My Life được phát hành vào năm 1965, trong album Rubber Soul, một album kinh điển mà được giới phê bình ca tụng là một trong những sản phẩm âm nhạc vỹ đại và quan trọng nhất trong lịch sử. Với ca từ nói về sự hoài niệm trong cuộc đời, giai điệu của nó sẽ là một trong những giai điệu đẹp nhất bạn từng nghe.

Ca khúc được Lennon nghĩ ra trong một lần đi xe bus, ông đột nhiên hoài niệm về những dĩ vãng đã trôi qua trong cuộc sống.. Và giai điệu ấy cũng nhẹ nhàng hệt như vậy: một chuyến bus khẽ lướt qua tâm tưởng của thính giả chúng ta. Những hòa âm tuyệt mỹ được chơi trên những nhạc cụ không quá vỹ mô, nhưng không quá đơn sơ mộc mạc. Được nối với nhau bằng một đoạn độc tấu piano, thực chất nó là một phân đoạn được tua nhanh gấp đôi để tạo nên âm hưởng hiệu ứng của một chiếc đàn cổ điển.. Đây là một trong những phân đoạn đầu tiên trong lịch sử âm nhạc được sử dụng kỹ năng hòa phối nâng cao, và đương nhiên, Beatles sẽ còn liên tiếp tiên phong những kỹ thuật phối khí nâng cao khác trong các nhạc phẩm tiếp đó của họ.

Ca từ của In My Life khẽ buồn, cũng như giai điệu, nó không thê lương, nhưng cũng chẳng vui vẻ gì, và nó hệt như một bài thơ khi đọc lên, nhưng lại càng xúc động khi được ca trong giai điệu kia,

"There are places I'll remember
All my life, though some have changed,
Some forever, not for better
Some have gone and some remain.

All these places have their moments
With lovers and friends I still can recall,
Some are dead and some are living
In my life, I've loved them all.

But of all these friends and lovers
There is no one compares with you,
And these memories lose their meaning
When I think of love as something new.

Though I know I'll never lose affection
For people and things that went before,
I know I'll often stop and think about them
In my life, I love you more."

(tạm dịch:

Có những chốn nọ tôi luôn lưu luyến
Trên cuộc đời này, dẫu nhiều đổi thay,
Vài nơi nguyên vẹn, chẳng mấy khá hơn
Có chốn mất, còn nơi vẫn vậy.

Tất cả nơi này chan chứa những khoảnh khắc
Với bạn bè và tình nhân, tôi vẫn luôn nhớ,
Có những người đã ra đi, và người khác còn sống
Trong cuộc đời này, tôi yêu tất cả họ.

Nhưng trong tất cả những người trong đời tôi
Chẳng có ai sánh được với Người,
Và những hồi ức trở nên vô nghĩa
Khi tôi nghĩ về tình yêu là điều gì đó mới.

Dù tôi biết rằng tôi sẽ luôn luôn hoài niệm
Về những con người, những điều đã từng ở phía sau,
Tôi biết tôi sẽ thường dừng lại và ngẫm về dĩ vãng
Trong cuộc đời này, hơn tất cả, tôi yêu Người làm sao!")

(note: tôi dịch là "Người" cho "you", bởi Anh Ngữ cho phép ta mập mờ hóa từ này, và Lennon đã lợi dụng điều này, bởi "you" có thể là một tình nhân, hay bất kể một người nào đó đã lướt qua cuộc đời của thính giả chúng ta.. Ngoài ra khi phiên dịch tôi cũng đã cố gieo vần như cách Lennon làm với ca từ gốc, bởi sẽ là một tội ác nếu như bỏ đi tính thơ trong ca từ của In My Life, phỏng?)

Những từ ngữ được John Lennon chọn lọc rất tinh tế, và đơn giản, nó chân thành, khẽ buồn, và chạm thẳng vào tiềm thức thính giả. Nghệ thuật chơi chữ là một điều mà John Lennon đặc biệt giỏi, trong sự nghiệp của mình, John trải qua rất nhiều giai đoạn phong cách biên soạn ca từ khác nhau, ví dụ, chỉ ngay năm sau khi phát hành In My Life, Lennon chuyển sang một cách viết nhạc mang tính vỹ mô hơn hẳn, với những ca từ trừu tượng và phức tạp.. nhưng đó là một câu chuyện khác.

Khó ai mà tin được những ca từ kia được viết bởi một chàng trai mới 25 tuổi, nhìn lại cuộc đời mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THU NĂM CHỮ

NGOẠI TÌNH

NẮNG MAI