GOD ONLY KNOWS, MỘT GÓC NHÌN HÀN LÂM



(disclaimer: đây là một bài biên mang tính technical rất cao, ai không có hứng thú về những lý thuyết và coi nó khô khan thì có thể skip qua để tự tiết kiệm thời gian cho chính mình. xin cảm ơn)

God Only Knows là một ca khúc trong siêu phẩm Pet Sounds được soạn bởi Brian Wilson với ca từ của Tony Asher, và được cho ra mắt vào năm 1966. Được giới phê bình chuyên nghiệp cùng các nghệ sỹ hàng đầu rộng rãi coi là bản “tình ca vỹ đại nhất mọi thời đại”, chắc chắn God Only Knows là một trong những mảnh ghép ấn tượng nhất của lịch sử âm nhạc.

Trong khi mà đã có quá nhiều bài phân tích về cách sắp xếp các yếu tố âm thanh vô cùng tinh tế, sự chỉn chu trong khâu hòa phối, hay là cái đột phá trong ca từ của nó, ít ai thực sự nhắc tới cách hòa âm vô cùng hàn lâm và phức tạp của Brian Wilson trong God Only Knows, ca khúc mà có lẽ là một trong những ca khúc phức tạp nhất từng tồn tại trên các bảng xếp hạng.

Tất nhiên, ai cũng có thể hoàn toàn biện hộ là phức tạp hay đơn giản không quan trọng trong nghệ thuật blah blah blah.. Thì đúng là như vậy, nhưng:

1/ 90% các ca khúc nhạc pop trên thị trường là giống hệt nhau, nó sẽ không thể tránh khỏi sự nhàm tai.
2/ 90% các ca khúc vừa kể trên đều chạy theo lối diatonic, tức là nó có thể bắt tai trong một thời gian ngắn, nhưng nó gần như mang giai điệu hệt như những vần nhạc trẻ em (mà khá phổ biến trong việc hát ru).. Tại sao? Bởi với những tiến trình như thế ta chỉ có thể cho ra những giai điệu như vậy mà thôi, không thể khác được. Ngắn gọn thì nó tức là dễ nhớ mà cũng dễ quên.
3/ Ta thường nhớ và trân trọng, thậm chí choáng ngợp trước các ca khúc kinh điển, bởi lẽ tất cả những ca khúc kinh điển đều mang một màu sắc rất đặc trưng của nó.. Tại sao? Bởi nó đã được soạn ra một cách vô cùng đặc trưng ngay từ khi soạn ra rồi.
4/ Vào 52 năm trước, đứng đầu bảng xếp hạng Billboard là bản nhạc bất hủ Bridge Over Troubled Water, được viết bởi Paul Simon, nó mang những hòa âm không thể lẫn vào đâu được.. Tại sao? Đơn giản thôi, nó được soạn một cách vô cùng chỉn chu và rất dị thường chạy qua những âm sắc chẳng giống ai với giai điệu quá dài so với thông thường. Nó từ đó trở nên bất hủ.
5/ Ngay hiện tại, đứng đầu Billboard là rê trưởng si thứ mi trưởng la trưởng , chỉ vỏn vẹn 4 hợp âm mà từng xuất hiện trong hang triệu bản nhạc khác trước đây.. Chẳng có vấn đề gì khi thích nó cả, đừng hiểu sai ý tôi, nhưng cũng sẽ chẳng ai nhớ tới nó trong 2 năm nữa.. Xin hãy hiểu ý tôi: một bản nhạc không có gì sai khi đơn giản cả, nhưng nếu muốn có một thứ gì đó khác, muốn có những giai điệu thú vị hơn, thì hiển nhiên không thể lặp lại quá nhiều như thế được. Ngoài ra, giới trẻ ngày nay đa số không còn cảm thụ âm nhạc nữa mà chỉ còn là chạy theo những gì mới ra thì được coi là thời thượng, hiếm khi có ai thật sự bỏ công sức vào để tạo ra một sản phẩm gì đó mang tính “mọi thời đại” nữa, bởi nếu nghe những thứ đã có thì sẽ bị coi là “lỗi thời”.
6/ Dù âm thanh có đột phá thế nào, bản thân một composition luôn là điều quan trọng nhất của âm nhạc. Như Quincy Jones từng nói, “..âm nhạc luôn tới trước..”.

.. etc etc..

Được rồi, tôi muốn làm rõ một chút như vậy thôi, giờ ta sẽ vào phần chính, đó là phần hòa âm vô cùng hàn lâm và dị thường của God Only Knows, thứ ma thuật bí ẩn đã đưa nó trở nên bất hủ đối với bất kể thính giả nào trong mọi thế hệ nhạc sỹ.

Tôi muốn chia nó ra làm hai phần, là key và hòa âm.

***

(key)

Đổi key trong âm nhạc hiện đại thường được nhắc tới như những đoạn cao trào ở cuối bài hát, để tránh sự nhàm chán khi lặp lại một đoạn điệp khúc quá nhiều lần, các nghệ sỹ (như Michael Jackson) thường nâng tone của đoạn điệp khúc lên ở cuối, nhằm tạo nên một cao trào.. Thuật ngữ cho điều này gọi là modulation, và Michael Jackson là một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực modulation.

Thế nhưng, việc sử dụng thay đổi key trong một bài hát hoàn toàn có thể đi xa hơn như vậy rất nhiều, và đương nhiên, nó là một phạm trù rất hàn lâm..

Ngay trong dòng giai điệu đầu tiên, có một tranh cãi rất lớn trong giới âm nhạc hàn lâm, đó là, “God Only Knows ở key gì?”

La trưởng hay Mi trưởng?.. Có vẻ như God Only Knows mở đầu bằng La trưởng, sau đó di chuyển đúng một quãng năm, đúng như dự đoán thường thấy của ta.. Nhưng ngay khi giai điệu đó được lặp lại lần thứ hai để làm đầy số bar tiêu chuẩn trong đoạn intro, ta ngay lập tức nghe thấy nốt rê thăng thay vì di chuyển một quãng năm như kỳ vọng ở trên, khiến cho đoạn nhạc dạo bây giờ ở trong key Mi trưởng thay vì La Trưởng như trước kia.. Điều điên rồ là nó vẫn nghe rất mạch lạch và dường như chưa từng đổi key lần nào, mà chỉ có những hương vị độc đáo đặc trưng ta không thể đạt được nếu chỉ tiếp tục di chuyện một quãng năm lần nữa..

Trong khi đang say đắm trong cái tuyệt trần của sự sử dụng hòa âm mập mờ ấy, chưa kịp để chúng ta phân tích về nó thì God Only Knows tiếp tục thay đổi key một cách vô cùng táo bạo bằng cách chạy lên 2 semitone để sau đó thay đổi hoàn toàn sang Rê trưởng.

Vâng, chúng ta đều biết, Rê không thuộc bất cứ đâu trong Mi trưởng, nhưng Rê lại thuộc La trưởng, vậy nên chúng ta lại quay lại tranh cãi ban đầu: “Vậy God Only Knows thuộc key gì?” Là Mi trưởng chứ vì vì nốt Rê thăng tồn tại ở trước lúc chuyển qua Mi trưởng, nên đoạn nhạc đầu đã khuyết mất key của bài hát? Nhưng không phải, là La trưởng chứ, vì ngay khi sang verse thì key đã được chuyển sang Rê trưởng?

Vậy nhưng khi tiếp tục đi vào verse, ta lại càng cảm thấy khó hiểu hơn về cách hòa âm dị thường của Brian Wilson.. Ngay trong câu giai điệu đầu tiên, cụ thể là ở chữ “may” trong “I may not always love you”, từ Rê trưởng, Brian đã đẩy xuống Si thứ với nốt thứ 6 trong scale này.. Nếu là Si thứ, thì mọi chuyện đã rất đơn giản bởi nó chỉ đơn thuần là I – v, một tiến trình khá phổ biến và được đa số mọi người đoán rằng nó sẽ ở đó.. nhưng bằng cách add thêm nốt thứ 6 trong scale vào, tức Sol thăng. Tức là sao?

Sol thăng đối với La trưởng là một nốt diatonic, nhưng đặc biệt, nó lại là chromatic đối với Rê trưởng. Ở đây, Brian Wilson lại hoàn toàn khiến giới phân tích chóng mặt với cách sử dụng hòa âm hàn lâm của mình, một lần nữa mập mờ hóa key của bản tình ca kinh điển này.

Tuy nhiên, nếu ta để ý kỹ ở phân đoạn intro, ở giữa khi nối La trưởng với Rê trưởng bằng Si trưởng, trong đó là một nốt Sol tự nhiên dẫn dắt giai điệu của đoạn verse sắp tới, tạo cho nó bàn đạp để chạy trên key Rê trưởng.

Tất nhiên, Sol không thuộc vào bất kể La thứ hay Mi thứ, mà nó ở trong Rê trưởng. Nó hoàn toàn khiến cho ta cảm thấy ca khúc đang ở trong key Rê trưởng..

Và tất nhiên, không hề dừng lại ở đó, chỉ sau 2 câu giai điệu (tức 8 bars), Brian lại một lần nữa khiến giới phân tích chóng mặt với sự tiếp tục thay đổi key trong cùng một đoạn verse.

Sau câu “But long as there are stars above you”, kết thúc với hợp âm Si 7, Brian Wilson đã đẩy lên 5 semitone, và sử dụng nốt Rê thăng cho giai điệu của mình, một nốt mà không thuộc cả Rê trưởng và La trưởng, mà nằm trong hợp âm Mi trưởng.. Như thế, dường như key của bài hát giờ đây lại ở Mi trưởng..

Để đạt được điều ấy, thực chất Brian Wilson đã tính toán trước trong câu “I may not always love you”, khi mà ông đã sử dụng Fa thăng thứ ở chữ “you”, và mượt mà chuyển qua hợp âm Si 7 ở “stars”, như đã nói ở trên, tức là Brian đã setup đổi key qua một đoạn ngắn tiến trình ii – V - I, một tiến trình vô cùng phổ biến trong nhạc jazz. Tuy nhiên, ở đây, Mi trưởng đã trở thành một chủ âm thay vì chỉ là nốt thứ 5 trong scale của La trưởng như jazz thường thấy.

Để tiếp tục sử dụng Mi trưởng cho phù hợp với giai điệu, và bởi nó đã trở thành chủ âm ở phân đoạn này, hợp âm Đô chìm nhưng với hòa thanh của nốt thứ 7 đã được Brian sử dụng như một hợp âm số V thay thế cho B7 đã ở trước đó, tạo nên một tiến trình ii – V – I – V – I trên key Rê trưởng, khiến nó trở nên dường như key của God Only Knows là Mi trưởng chứ không còn là Rê trưởng, hay thậm chí La trưởng nữa..

Nhưng điều ấy kéo dài không lâu, khi mà ngay khi tiến tới điệp khúc, có vẻ như Brian Wilson lại hoàn toàn phá vỡ mọi sự đoán trước motif của thính giả khi ông vặn lại key của ca khúc về La trưởng, với sự giới thiệu của hợp âm nửa chìm (tức là hợp âm thứ ở nốt 7 và giáng ở 5, nó là một phiên bản kém chìm hơn của những hợp âm chìm).. Đây là một cách vô cùng ấn tượng và mượt mà để đổi key, bởi một khi đã sử dụng ii – V – I thì việc sử dụng trực tiếp một quãng năm sẽ là rất tồi cho dù nó là khoảng cách thoải mái nhất.. Vậy nên việc hòa âm này là vô cùng ấn tượng, nó hoàn toàn hợp lý khi mà hòa âm Mi trưởng với một triad của Đô thứ với La thăng là nốt bass thay vì nốt root.. mà ta đều biết, Đô thứ nằm trong cả Mi và La trưởng.

Như thế, tuy hoàn toàn ở trong key La trưởng, nhưng phần điệp khúc thậm chí không dài hơn 4 bars, nó lại được kết thúc bằng giai điệu tương đương với ở intro, với nốt Sol để dắt ta vào verse mà “có-vẻ-như-là” ở key Rê trưởng.

Brian Wilson đã tạo nên một bản nhạc vô cùng kỳ công với những lần thay key phức tạp hơn bất kể ai khác, chúng thậm chí còn thay đổi ngay giữa câu, thay vì những gì người ta thường nghĩ tới ở việc đổi key (như là việc để tạo cao trào ở cuối mỗi ca khúc).

***

(Hòa âm)

Nếu như đổi key là một phần của God Only Knows khiến đông đảo giới hàn lâm phải chóng mặt, thì phần hòa âm của nó lại là ma thuật bí ẩn tạo nên âm thanh vô cùng đặc trưng của God Only Knows.

Khi phân tích về key ở phía trên, tôi đã đơn giản hóa các hợp âm xuống trở thành hợp âm trưởng, để mọi người có thể hình dung ra rõ nhất cách Brian Wilson sử dụng các key khác nhau cho ca khúc của mình.. Nhưng có lẽ bạn đã nhận ra, ta hoàn toàn không thể nào chơi La trưởng hay Mi trưởng hay Rê trưởng trên đàn của mình và cảm thấy được hòa âm của God Only Knows, đơn giản bởi, nó không phải là những hợp âm mà Brian Wilson đã sử dụng.

Trong dòng giai điệu đầu tiên của khúc nhạc dạo, hợp âm Mi trưởng khi được chơi là lần duy nhất chủ âm của God Only Knows được chơi, ngay khi sang lần thứ hai của giai điệu đó, một hòa âm khác đã được sử dụng để tạo nên hòa âm ấy. Khi này, Sol thăng đã trở thành phần bass thay vì nốt root, tức là theo ngôn ngữ của jazz, ta có một B6 suspended, hay đơn giản hơn là một E 6, tức đảo ngược thứ nhất của Mi trưởng.

Và như đã nói tiến trình ở phần trên, sau khi sử dụng Fa thăng thứ, Brian Wilson tiếp tục sử dụng nốt Mi ở vị trí chạy bass thay vì nốt root ở La trưởng, tức là theo ngôn ngữ của jazz, ta có một hợp âm E6 suspended hay A 4/6, ở trong ngữ cảnh của God Only Knows là một hợp âm IV 4/6, đảo ngược thứ hai của La trưởng. Hợp âm này như đã giải thích ở trên, được sử dụng để dẫn vào phần giai điệu có chứa Sol đưa vào Rê trưởng.

Điều vừa nói ở trên cũng được áp dụng với đoạn điệp khúc, nhưng ở điệp khúc key của nó giữ ở La trưởng, bởi nó chỉ là một phần 4 bars, và tương tự như vậy với đoạn coda, tức là tiến trình lần lượt như sau: IV – I 6 – ii – IV 4/6, nếu như theo đoạn điệp khúc với key là La trưởng.

Sau đó, giai điệu dẫn dắt ta vào key Rê trưởng ở đoạn verse được đưa vào bằng một modulation ngắn. Nó được xây dựng dựa trên 3 nốt cuối của phần verse mà sẽ tới sau đó. Đây là một sắp đặt rất kỹ càng của Brian. Cụ thể, nếu như lắng nghe kỹ câu “about it” trong “I’ll make you so sure about it”, (và chắc là nếu có âm chuẩn tuyệt đối), ta sẽ hiểu giai điểu dắt từ đâu mà ra, nó tạo nên 1 motif cho phân đoạn này để phần đổi key có thể mượt mà hơn bao giờ hết.

Nó hoàn toàn là những giai điệu được tạo nên từ hợp âm, cụ thể là các đảo ngược của các triad, chạy thành một giai điệu 3 nốt như sau: A 4/6 B 4/6 C 4/6. Cụ thể hơn, với triad của Đô trưởng, đảo ngược thứ hai của nó sẽ chạy từ bass là Sol, tức nốt thứ 5 trong triad, với nốt root và nốt thứ 3 ở trên.. Tương tự vậy với La và Si..

Như đã nói ở trên, God Only Knows đổi key sang Rê trưởng khi vào verse. Thực chất, ở đây lại không phải Rê trưởng, mà nó chính là đảo ngược thứ 2 của Rê trưởng, theo ngôn ngữ của jazz ta gọi là F#mb6, hay Rê 4/6. Và phần tiếp theo vô cùng thú vị, như đã nói ở trên, hòa âm nốt thứ 6 trong scale để làm nhòa đi ranh giới giữa key Rê và La trưởng đã tạo nên một thứ mà jazz gọi là D6b5omit3, nó có tính chất của một hợp âm vi6 trên key Rê trưởng.

Điều đến sau nó cũng vô cùng thú vị, bởi với key ở phân đoạn verse là Rê trưởng, nhưng thực chất bass đã nằm ở Fa thăng, nên khi hợp âm Fa thăng thứ tới sau, nó dường như có cảm giác “thứ hóa” key đi, và cho ta cảm giác trở về root, nên Fa thăng thứ ở đây lại mang tính chất của hợp âm i trong key Rê trưởng; sau đó nhanh chóng sử dụng một pre dominant để có thể kéo nó về degree thứ tư tức là Si trưởng, cũng với một nốt thứ 7 trong scale được hòa âm cùng, ở dạng đảo ngược số 3.. Khi này Si trưởng với một nốt thứ 7 đóng vai trò là hợp âm V 2, và đã trở thành át âm đối với âm chủ tiếp tới, là Mi trưởng.

Thông thường, theo những gì tôi học được từ việc phân tích các nhạc phẩm từ thời cổ điển, một hợp âm 7 thường được sử dụng để kéo về nốt thứ 3 của chủ âm.. tức là với God Only Knows, khi nốt thứ 7 đang ở La, thì nó phải được kéo về Sol thăng, đúng chứ?

Không, Brian Wilson đã hoàn toàn tránh chủ âm, và không những không hạ cánh, mà còn lên cao hơn từ hợp âm V 2 trong key Mi trưởng lên hợp âm I 6/4, tức là đảo ngược thứ hai của Mi trưởng.

Trong hai câu còn lại của verse, một tiến trình và hòa âm hoàn toàn khác đã được Wilson giới thiệu.

Theo một cách chromatic, Brian đã rất chỉn chu đưa hợp âm đóng phần trước của phân đoạn trước trở thành một phân đoạn mới ngay giữa đoạn, như đã nói, với một tiến trình gần tương tự như ii – V – I – V – I, bằng cách giới thiệu hợp âm V augdim7 ở dạng đảo ngược thứ 3 trên key Mi trưởng.

Như đã giải thích ở phần chuyển key, hợp âm jazz này là sự kết hợp của một triad với một nốt bass khác để mượt mà đưa lại ta với đảo ngược thứ 2 của Mi trưởng, và dừng lại ở La thăng nửa chìm, với tư cách là một hợp âm IVm7b5, và chính hợp âm này đã dẫn thẳng tới La trưởng, root của phần điệp khúc, bởi nó dẫn như cách một tiến trình bvi – I, khá tự nhiên.

Tổng hợp lại, sau 5 câu hát (bao gồm câu cuối của điệp khúc), chúng ta có một tiến trình được Brian Wilson sắp xếp một cách vô cùng chỉn chu như sau: I 6/4 – vi6 – i – i7 (hay ii7) – V 2 – I 6/4 – Vaugdim7 2 – I 6/4 – Ivm7b5.. Thật sự dị thường và rất khó có thể thấy một bản nhạc nào chỉn chu tới mức này.

Trong điệp khúc, như đã nói, key của phân đoạn này sẽ ở trong key La trưởng, tức là so với chủ âm ở phía trên là một degree thứ tư, hay một quãng năm. Sau đó, thay vì chạy về với chủ âm phân đoạn trước như ta vẫn thường suy đoán, hay mặt khác, đi một quãng năm, thì Brian Wilson lại soạn God Only Knows với đảo ngược thứ nhất của Mi trưởng, sau đó kết thúc vòng tiến trình điệp khúc bằng cách chạy lên 2 semitone, rất hợp lý, hợp âm này có vai trò là hợp âm ii trong âm chủ Mi trưởng.

Khi điệp khúc kết thúc, ta nghĩ rằng Wilson sẽ trở về với chủ âm ở phân đoạn verse.. đúng chứ?

Không, Wilson có sắp xếp Mi là nốt để đi tiếp, nhưng hoàn toàn không phải Mi trưởng.. Nó chỉ là đơn âm, giống như một giai điệu, nó không có hòa âm, hay bất kể gì như ta mong đợi, nó hoàn toàn ngạc nhiên, và tất nhiên, dị thường.. Giai điệu dắt vào verse cũng vậy, Mi – Mi – Fa thăng – Sol, nó chỉ là giai điệu, rất lạ lùng và khiến thính giả hoàn toàn ngạc nhiên, và cả hồi hộp với những gì sẽ tới tiếp đó.. Đây là sự thiên tài của Brian Wilson!

Và khi verse thứ hai tới, với một loạt ca từ mới, motif âm nhạc phức tạp của phân đoạn đầu được lặp lại để cho thính giả có thể vĩnh viễn khắc ghi giai điệu của God Only Knows vào trong đầu mình, và nó chỉ khác đi ở cuối điệp khúc số hai, bởi thay vì cần phải dẫn dắt vào verse một lần nữa, thì đây là khi một bản nhạc cần một đoạn bridge, hay với God Only Knows là một đoạn intermezzo. Đảo ngược thứ hai của La trưởng được Wilson sử dụng thay vì motif giai điệu nối như ở trước đó.

Hợp âm này dẫn tới một giai điệu được hòa âm bằng các giọng song song, tức là với giai điệu lên cao hơn, thì bass lại chạy theo hướng ngược về.. Rất ít ai có thể làm chủ được kỹ thuật này, chỉ có một vài thí dụ nổi tiếng như Bad của Michael Jackson.. Brian cho giai điệu này hai lần, để đưa ta tới đoạn nhạc tiếp theo.. Lần đầu nó dừng lại ở đảo ngược thứ hai của La trưởng, và lần thứ hai, nó dừng lại ở đảo ngược thứ hai của Sol trưởng, theo ngôn ngữ của jazz thì gọi là Bmb6. Nó trực tiếp dắt ta thẳng vào đoạn intermezzo, hay được biết tới phổ biến là bridge.

Bởi đã có một đoạn intermezzo, nó thực chất đã là bridge , và vì đã thay đổi âm sắc rất nhiều và đa dạng ở trước, nếu tiếp tục thay đổi tiến trình sẽ khiến ca khúc trở nên rời rạc và có chăng khó ấn định được trong đầu, nên Wilson đã sau Bmb6 sử dụng lại phần biên soạn cầu kỳ mà ông đã sử dụng cho verse để làm bridge, với một giai điệu khác, được tạo nên từ những hòa âm giọng tuyệt mỹ trứ danh của nhóm Beach Boys.

Chính bởi đoạn intermezzo đã được hát ở La, nên khi vào verse, chính bởi sự mập mờ trong key của ca khúc, dường như một sự cố tình, Brian sắp xếp cho phân đoạn hát vào verse cũng như vậy, vào bằng nốt la theo hợp âm Rê trưởng thay vì âm chủ là Mi trưởng, nó thực sự xuất sắc để đưa lên cao trào ở cuối bài hát.. Chữ “you” trong “God only knows what I’d be without you” được hòa âm bằng đảo ngược thứ hai của Rê trưởng.. Tức là điệp khúc này sẽ được chạy theo tiến trình Rê trưởng, đảo ngược thứ nhất của La trưởng, Si thứ và đảo ngược thứ hai của Rê trưởng, gần như là một modulation.

Và chính nhờ phân đoạn lên cao ấy, đảo ngược thứ hai của Rê trưởng cũng là hợp âm kết thúc cho các verse chính khác của God Only Knows.. Trùng hợp chứ? Tôi không nghĩ vậy. Brian đã lên kế hoạch rất cụ thể để có thể tung ra verse một lần nữa sau intermezzo, hay bridge.. Thật sự thiên tài! Vâng, sau đoạn điệp khúc đã được modulate kia, Brian Wilson trở lại verse, với một điệp khúc gốc để đi tới phần coda của God Only Knows, một cách vô cùng dị thường, và mạo hiểm, đầy bất ngờ, nhưng cũng êm ái và mượt mà.

Phần điệp khúc, như đã nói ở trên, được hòa âm bởi 3 hợp âm chính, và hợp âm cuối tùy theo phân đoạn tiếp theo của nó.. Và chính như vậy, coda của God Only Knows sử dụng kỹ thuật vòng, tức là nó sẽ hòa âm lại phần điệp khúc theo một vòng liên tiếp nhau. Vì thế, hợp âm “thứ tư” trong vòng cuối này chính là hợp âm thứ hai của vòng điệp khúc, tức đảo ngược thứ hai của Mi trưởng, và cứ như vậy tới khi nó tắt..

***

Việc sử dụng hòa âm phức tạp này đã ảnh hưởng rất nhiều tới những nhà soạn nhạc sau này, trong đó được biết tới nhiều nhất chính là Paul McCartney của The Beatles, người đã khẳng định rằng chính hòa âm bass lạ thường của Pet Sounds (hay đúng hơn là hợp âm đảo ngược) đã mở cho ông cả một bầu trời tri thức về cách tiếp nhận với hòa âm, khi mà một bassline có thể hoàn toàn không liên quan tới các nốt root của một tiến trình, và hòa âm ấy sẽ mang một trải nghiệm khác hẳn.

***

Chẳng có gì cần nói quá nhiều về God Only Knows khi mà lịch sử đã chứng minh chỗ đứng của nó.. Quá nhiều thập kỷ, God Only Knows càng trở thành thánh ca, và là tiêu chuẩn của một bản nghệ thuật nghiêm túc cho bất kỳ người soạn nhạc nào.

“Bản tình ca vỹ đại nhất mọi thời đại” là cái tên nó nhận được, nhưng dường như còn quá khiêm tốn so với những gì nó đem lại cho văn hóa đại chúng.

God Only Knows rất đặc trưng, và bất hủ, không chỉ bởi cách sắp xếp âm thanh chỉn chu mà Brian Wilson đã sắp xếp cho nó, mà còn là sự thiên tài trong những hòa âm dị thường của nó. Rõ ràng God Only Knows có thể là ca khúc phức tạp nhất từng tồn tại trong nhạc pop.. Trước Pet Sounds, chưa có bất kể một nhạc phẩm nào có thể chạm gần tới mức độ hoàn thiện như âm nhạc của Brian Wilson, và suốt từ năm 1966 tới nay, có lẽ vẫn chưa tồn tại bất kể một bản nhạc nào khác hoàn hảo như God Only Knows.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

THU NĂM CHỮ

NGOẠI TÌNH

NẮNG MAI